Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Một vài suy nghĩ về sáng tác ca khúc đề tài xây dựng nông thôn mới

 


Một vài suy nghĩ về sáng tác ca khúc đề tài xây dựng nông thôn mới

NGUYỄN DUYÊN

 

 

Xây dựng nông thôn mới là một đề án quan trọng của chính phủ nhằm để nâng cao đời sống của vùng nông thôn về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần.Tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng an ninh, trật tự an toàn xã hội nông thôn. Từ năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đặt mục tiêu sẽ phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn Nông thôn mới

Với chủ trương trên, nhiều năm qua Hội VHNT Tây Ninh cũng đã triển khai, tập huấn và tổ chức đi thực tế sáng tác. Do đó sáng tác về Nông thôn mới là một đề tài không lạ đối với văn nghệ sỹ nhưng cũng chưa có những tác phẩm có chất lượng, có độ thu hút quảng bá nhiều trong quần chúng

Song song đó,từ nhiều năm qua trên cả nước đã phát động sáng tác về đề tài nầy rất nhiều, có nhiều bài hát hay được quần chúng yêu thích như bài Bài ca xây dựng nông thôn mới của Ngọc Khuê không chỉ là ca khúc dành cho làng quê Yên Sở của nhạc sĩ, mà đã trở thành lời ca cho bất cứ làng quê nào đang trên đà xây dựng nông thôn mới. Mong muốn qua ca khúc để “làm cho người nông dân yêu thiết tha quê hương mình” của nhạc sĩ Ngọc Khuê, bài hát lan toả rộng rãi, chắc chắn sẽ được nhiều người đón nhận. Bài hát sẽ có sức sống lâu bền như “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của ông đã từng viết về những miền quê Việt Nam.

Hay Bài Chào nông thôn mới của Nguyễn Ngọc Thiện rất sôi động vui tươi rất phù hợp biểu diễn tuyên truyền:

Mời về nông thôn mới ngắm cây cầu mới xây

Về vùng nông thôn xa trên những con đường mới

Nắng bước xuống lấp lánh hát bên đồng lúa xanh

Bao em thơ tung tăng đến lớp siêng học hành.

Nông thôn mới, chào niềm vui tới

Nông thôn mới thắp sáng ngày mai

Nông thôn mới, cuộc đời đổi mới

Nông thôn mới thắp sáng tình người.

 

Quê mình bây giờ biết mấy hoan ca

Quê mình bây giờ niềm vui khắp trời.

Theo tôi, còn một bài  hát nữa đã lâu quen thuộc rất hay nói về vùng quê, đó là bài Hát về cây lúa hôm nay  của Hoàng Vân  xét về nội dung cũng có phần ngợi ca về Nông thôn mới rất nhẹ nhàng rất hình ảnh, mặc dù thời điểm đó chưa có Chương trình xây dựng Nông thôn mới: Từ bàn tay xưa cấy trồng gió bấc. Chân lội bùn sâu dưới trời mưa phùn, và đôi vai xưa kéo cày thay trâu. Vì không có đất, vì nước đã mất. Cho đến hôm nay, những chàng trai đang lái máy cày, và bao cô gái sẽ ngồi máy cấy. Chiếc cầu tre chênh vênh nhỏ bé ớ ơ. Không mang nổi người gánh thóc nặng. Đường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Nói lên sự phát triển của một vùng quê ngày càng đổi mới

Trở lại với phong trào sáng tác của Tây Ninh mấy năm vừa qua, nhìn lại cũng ít bài về Nông thôn mới. Ngay trong nhiều tuyển tập của Hội tôi tìm những bài về nông thôn thì thấy rất ít, trong tập nhạc Miền đất nghiêng về phía mặt trời tôi kiếm được một bài theo tôi là nói về nông thôn ( chứ cũng chưa cụ thể là Nông thôn mới nữa?)  như bài Màu xanh quê hương của Lê Chí Khối: ...Trên đồng xanh bao la tôi hát về quê tôi, trên đồng lúa bao la quê hương yêu dấu,  trong Tuyển tập Tây Ninh quê tôi Thành phố Tây Ninh tự hào và vươn lên có một vài bài như Về lại Bến Cầu của cố Ns Lê Chí Trung: …người người nhà nhà bên nhau dựng xây nông thôn mới tương lai…bài Bức tranh quê rực rỡ nắng hồng của Lê Thanh Ngọc:... Ngày nắng rộn ràng ngày mưa lung linh, để đồng lúa xanh,kìa những ngôi nhà mọc trên đường làng ngày tháng ngày tháng trôi…. Hay bài Chiều quê của Vĩnh Phát, Chiều quê yên ả của Quang Cường….( Ca khúc về Tây Ninh 2004), bài viết về nông trường thì có bài Nước Trong tình đất tình người của Hoài Nguyên…

Sáng tác ca khúc thì rất đa dạng, nhất là về đề tài Nông thôn mới cho ta nhiều cách nghĩ suy khác nhau để hình thành một ca khúc khả dĩ  được quần chúng chấp nhận được? Theo tôi có mấy vấn đề chúng ta cần quan tâm:

1.Từ một đề tài bó hẹp, chưa được phong phú, chưa tình cảm nhiều...Chúng ta làm cho đề tài trở nên ấn tượng, gợi cảm hơn, trữ tình hơn là do sự cảm nhận và năng lực, kinh nghiệm của người nhạc sỹ? Ngày xưa, từ những từ ngữ trúc trắc , khô khan mà những người sáng tác rất ngại đưa vào nhạc, khó đưa vào nhạc mà các nhạc sỹ  tiền bối cũng  đã vận dụng  hết sức tự nhiên, mạch lạc đơn cử như bài Người đi xây hồ Kẻ gỗ của Nguyễn Văn Tý xử lí rất khéo : ...Tay anh phá đá tay em đào sỏi ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày hè, chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá, ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ, ngày ta đi học em nói thích nghề gì?…. rất tình cảm rất hay,  ta thấy những vần trắc ( phá đá, đào sỏi, xe ủi) rất khó tạo tính thẩm mỹ cho âm nhạc nhưng nhạc sỹ đã dùng rất mạch lạc tình cảm, lại đưa chất dân ca xứ Nghệ vào cho bài hát thêm sắc thái, thêm nồng nàn

Ta thấy có nhiều nhạc sỹ ngày xưa dùng từ rất khéo, rất gợi cảm và sâu sắc ý nghĩa…qua lời nhạc mà làm lay động cả lòng người.Các nhạc sỹ nổi tiếng một phần cũng nhờ ca từ đẹp, tình cảm…như Văn Cao, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trần Tiến..v..v..

Một bài hát nếu ca từ có vần điệu như thơ thì dễ hát, dễ nhớ, chuyện nầy cố NS Xuân Hồng là người rất lưu tâm đến vần điệu trong bài hát, xem như bậc thầy về phong cách nầy. Đa số bài nào của ông cũng gieo vần đàng hoàng, ông sử dụng các vần chân,vần lưng rất nhuần nhuyễn trong các bài hát như: Tiếng chày trên sóc Bom bo :

Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng

Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày

Về đường này thăm sóc Bom Bo

Tiếng nói ríu ra

lời ca trong vắt

Nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người

Một nụ cười tin chắc tương lai.

Hoặc:

Cây đàn ghi ta của đại đội ba

Khi hành quân xa cây đàn theo  ta  đi khắp  nơi trên chiến trường….

Ai đàn ghi ta, tiếng vọng gần xa. Khi đàn ngân nga giai điệu dân ca nghe thiết tha bao dáng hình. Từ đồng quê bát ngát hàng dừa cao che mát bến nước cây cầu

( Cây đàn guitar của đại đội ba)

Ta nghe rất mạch lạc rất tự nhiên, vui tươi…đây là những vốn liếng  quý báu cho ta  tham khảo để nghiền ngẫm trong sáng tác. Tôi có dịp đi dự nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ các nhạc sỹ nổi tiếng để học hỏi, như đợt Liên hoan Âm nhạc toàn quốc tổ chức ở Phan Rang năm 2012, trong lúc giao lưu NS Nguyễn Văn Hiên cũng cho ra những nhận xét có giá trị ông nói: Ca khúc ngoài giai điệu tiết tấu thì lời bài hát cũng rất quan trọng (ca từ). Lời bài hát và giai điệu có phù hợp đẹp đẽ hài hòa nhau thì dễ thành công hơn,dễ đi vào lỗ tai người nghe.Bởi vậy nếu giai điệu có trục trặc thì xíu thì chúng ta còn có thể chỉnh sửa được,còn nếu ca từ mà hời hợt lủng củng thô thiển rồi thì sửa lại rất khó

2.Phải ráng tạo được một ý tưởng, một nhạc đề đẹp ( theme music ) để hình thành một bài hát giai điệu đẹp, nếu đề tài bị bó hẹp thì ta mở rộng ra cho thoáng, nâng trí tưởng tượng lên, hoặc chọn một góc độ nào đó cho gợi cảm hơn để viết, như viết về Dân số kế hoạch hóa gia đình thì rất khó nhưng Ns Trần Tiến đã chọn một mảng tâm tình để viết bài Lá Diêu bông rất hay, rất đạt và đầy cảm xúc ( bài đạt giải về Dân số kế hoạch hóa gia đình năm 1990) Lời nhạc có đoạn sau nghe rất trữ tình:

Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi

Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn

Ru em thời thiếu nữ xa xôi

Còn đâu bao đêm trăng thanh

Tát gàu sòng, vui bên anh

Ru em thời con gái kiêu sa

Em đố ai tìm được lá diêu bông

Em xin lấy làm chồng...

3.Tìm một cái tựa cho hay cho ấn tượng (nhạc sỹ thường hay đặt lại tựa khi phổ nhạc vd bài thơ Viết cho mùa đã qua của nhà thơ nữ  Tây Ninh, khi phổ nhạc tôi đặt lại là Biệt khúc cho mùa xưa để gây sự chú ý)

4.Nên đem ca dao, dân ca… vào ca khúc vì đề tài nông thôn rất gần với Dân ca nhất là dân ca Nam bộ, nếu sưu tầm được dân ca Tây Ninh thì càng tốt, khi trình diễn cũng rất phù hợp với người nghe ( một số bài dân ca Tây Ninh chúng ta tham khảo như Lý bông quỳnh, Lý bông đậu, Lý dây bầu, Lý tầm quân, Lý kéo đờn,Lý bên kia, Lý quê chồng, Lý con chuột...)

5.Đi thực tế  sáng tác cũng là một yếu tố quan trọng để ta tìm cảm hứng, tìm chất xúc tác cho bài hát.Tại Tây Ninh  cũng có nhiều xã đạt Nông thôn mới, Hội nên tổ chức cho anh em đi thực tế, hoặc nếu có điều kiện thì ta tự đi, nhiều địa phương ở xa đạt tiêu chí Nông thôn mới như  xã Hòa Hiệp  ở Châu Thành, xã Cầu Khởi  ở DMC, các xã An Tịnh, An Hoà, Lộc Hưng và Gia Lộc ở Trảng Bàng…

Nguyễn Duyên

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét