Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

TRAO ĐỔI VỀ SÁNG TÁC VÀ QUẢNG BÁ CA KHÚC


TRAO ĐỔI VỀ SÁNG TÁC    QUẢNG BÁ CA KHÚC

NS Nguyễn Quốc Đông




Sáng tác ca khúc là một chủ đề rộng, rất phong phú, đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều trao đổi thảo luận hơn nữa, trong khuôn khổ này cho phép tôi có chút kinh nghiệm xin trao đổi cùng anh em  chứ không dám nói làm sao sáng tác hay, hay khuynh hướng sáng tác nào cả? Chuyện nầy còn tùy vào khả năng mỗi người sáng tác, nhất là năng khiếu? Hay nói một cách khác gần nhất là làm sao sáng tác một bài hát có chất lượng và cách truyền tải quảng bá tác phẩm của mình nhanh đến công chúng trong thời đại số hóa. Tôi kể chuyện nầy, có một lần vị giám đốc ở Tây Ninh gặp tôi nhờ tập bài hát về
địa phương, sau khi tập xong tôi tò mò hỏi , ông kể mỗi lần tham dự hội nghị các tỉnh Miền Đông, tới phần giao lưu người ta mời các lãnh đạo lên hát bài tỉnh mình cho vui, tới phiên ông thì rất bối rối vì không biết hát bài nào cho phù hợp, trong khi các nơi khác họ  rất tự tin lạc quan khi đứng lên hát bài địa phương mình. Như vậy bài hát của chúng ta tuy có, nhưng chưa đi sâu vào lòng người
Ngày trước, các sáng tác của nhạc sĩ thì chủ yếu quảng bá giới thiệu qua Đài phát thanh, sau là Đài truyền hình, còn bây giờ thời bùng nổ công nghệ thông tin, thời đại 4.0  nên có nhiều cách ta giới thiệu, PR tác phẩm  từ các trang mạng xã hội như Face Book, Youtube, các trang âm nhạc như Nhạc của tui.com, zing.vn, Yeucahat, Popsmusic…cũng rất hiệu quả.  Vài năm trở lại đây, khi mà dòng nhạc bolero rộ lên lấn át dòng nhạc truyền thống, nhạc tiền chiến, nhạc tình ca … thì thị hiếu khán giả đã đổi chiều, một số cá nhạc sĩ cũng chạy theo khuynh hướng nầy để câu khách, để kinh tế  hoặc là để kiếm live, kiếm view.. đôi lúc chúng ta lại thấy bội thực bolero, chỉ nghe một hai bài là chán rồi!? Phong cách sang tác ngày càng nhanh, lôi cuốn theo thời đại mà ta phải kịp đuổi bắt. Gần đây, trong đợt đại dịch Covid 19 thì cũng nhiều người làm theo phong trào, như hiện tượng bài  Ghen cô Vy của bộ 3 Min – Erick - Khắc Hưng xem ra ồn ào, ăn khách nhất trên cộng đồng mạng, thậm chí  còn lan truyền qua các đài truyền hình Mỹ, Pháp, Iran… bài hát ngắn vui tươi, mang tính thời sự và nhờ nhịp múa vũ điệu rửa tay của Quang Đăng sáng tác minh họa nên sôi động hẳn. Hay bài Lạc trôi của Sơn Tùng MTP đến nay đã lên trên 200 triệu lượt xem thì quá khiếp lượt xem lên hằng triệu, dù là hiện tượng, có thể là nhất thời thôi nhưng chúng ta cũng có một cách nhìn về sáng tác  như thế nào cho phù hợp trào lưu, phong cách đổi mới, chứ nếu gò ép theo khuôn khổ quá cũng khó sáng tác .Kỳ rồi anh em đi dự đêm nhạc chi hội 6 TP HCM?  Cũng có nhận xét dòng nhạc ở Thành phố có khác mình ,nghe sôi động trẻ trung, sân khấu đẹp hiện đại.Tôi nói có lẽ do hai nơi  có quan điểm và cách làm khác nhau nên phong cách cũng khác nhau? Đây là vấn đề chúng ta cũng cần nhìn để có hướng đi phát triển chất lượng, dù phụ vụ phong trào, phục vụ chính trị cũng phải đặt nghệ thuật lên trên hết, chứ chạy theo số lượng thì khó phát triển được. Tôi lấy ví dụ như mỗi năm quỹ hỗ trợ  đầu tư VHNT tiêu chí xét tác phẩm mà không đổi mới, cứ phải  yêu cầu 50% viết về Tây Ninh mới đầu tư thì hạn chế lắm? khó có thể cho ra một tác phẩm hay, chất lượng. còn nếu chúng ta mở rộng nội dung chủ đề ra như về tình yêu,quê hương, đất nước, con người… thì hy vọng  sẽ có nhiều ca khúc hay? Và chúng ta có thể vươn xa hơn là dự thi cấp trung ương ( nhiều năm qua chúng ta chưa có giải )
Tất nhiên là điều kiện chúng ta không bằng Thành phố HCM nhưng nếu cố gắng  sẽ cho ra những chương trình khá hơn nhiều. Ở thành phố HCM một chi hội cũng có thể tự thân hoạt động như  chi hội 3 mỗi tuần giới thiệu ca khúc mới ở Cung văn hóa lao động, cũng là một cách quảng bá tác phẩm, rồi đưa lên FB cho mọi người xem, ở chỗ ta thì ít thấy giới thiệu ca khúc như vậy, chỉ thấy bên các quán nhạc hay live stream bên FB thôi, chủ yếu là giải trí, hát với nhau thôi…Tới đây Hội  VHNT sẽ làm một MV karaoke các bài hát Tây Ninh và nghe nói sẽ tổ chức thi hát nữa để quảng bá tác phẩm cho công chúng biết, cũng là điều hay,.
Âm nhạc hiện nay nó có đặc thù riêng, một bài hát phải  đầu tư nào là ca sỹ, phải hòa âm, phải trình diễn.. vv rất tốn tiền, mà vai trò chủ động đầu tiên là nhạc sĩ.  Chuyện nầy làm tôi nhớ khi hội nghị  cơ sở Hội Nhạc sĩ VN ở miền Đông năm 2015, cố Ns Phan Huỳnh Điểu nói các cuộc  dự thi, BTC đều  yêu cầu chúng tôi phải có demo? Mà chúng tôi bây giờ có tiền mô mà làm? Làm cả hội nghị phải cười mà đúng vậy làm 1 demo hay nhạc beat cũng phải vài triệu nếu có nơi đòi phài làm đĩa master thì càng căng nữa? bây giờ là văn hóa nghe, nhìn chứ hết văn hóa đọc rồi? tuổi trẻ lên mạng chỉ lướt qua thôi, chỗ nào ấn tượng, lạ mắt thì mới ghé vô xem, bản thân chúng ta còn chưa nghe hết một bài hát nữa vì nhiều quá!?  phải nghe nghe ào ào mới kịp người ta. Tôi  hay nói đùa với anh em nhạc đăng báo không ai hát, còn nhạc hát không ai đăng, tìm một bản nhạc rất khó, ngày xưa chúng tôi còn mua được nhạc phẩm ở các quầy sách, nhà sách bán đem về  để dành, khi cần lấy ra đàn hát, có lời, có nốt rõ ràng nên tập đúng cao độ, nhịp phách
Làm thế nào để có tác phẩm chất lượng nhiều nhạc sĩ khuyên nên có một giai điệu đẹp và lời ca gợi cảm trôi chảy dễ đi vào lòng người, ,thứ 2 nên truyền tải trên mạng lắng nghe ý kiến thính giả ra sao? Một bài học cho các nhạc sĩ trẻ: không cứ ta cố tạo những khúc thức phức tạp, những tiết tấu trúc trắc cho lạ để gây sự chú ý khán giả.,mà ca khúc ngoài giai điệu tiết tấu thì lời bài hát cũng rất quan trọng (ca từ).Lời bài hát và giai điệu có phù hợp đẹp đẽ hài hòa nhau thì dễ thành công hơn,dễ đi vào lỗ tai người nghe. Ở Việt Nam người rất giỏi về sử dụng ca từ trong bài hát chắc lẽ không ai qua  nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, NS Văn Cao đã từng phong tặng cho ông một danh hiệu là: Người ca thơ quả không ngoa. Nhìn về dòng nhạc Trịnh ta thấy : giai điệu mạch lạc ngọt ngào khá đơn giản, rất hiếm khi sử dụng những tiết tấu phức tạp, cấu tạo dòng nhạc đa số chỉ toàn nốt đen, nốt trắng, móc đơn…mà rất thành công vì ông có những ca từ tuyệt mỹ dễ đi vào lòng người.
Mỗi bài hát có duyên số của nó  như bài Dáng dứng Bến Tre, năm rồi  tháng 12/2019 tôi về dự đám tang Ns Nguyễn Văn, trong lúc rãnh rỗi, các nhạc sĩ là những người từng đi sáng tác cùng  nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở Bến Tre  vào năm 80 kể lại khi xuống Bến Tre sáng tác xong rồi tập hợp ca khúc lại, lúc đó bài của ông tỉnh không để ý, chưa kể có quan chức tỉnh còn yêu cầu ngừng diễn nữa. Ông rất buồn, đem bài hát về Sài Gòn để đó, cho đến khi có Liên hoan văn nghệ công nhân viên  khu vực miền Nam  ông giao bài cho ca sĩ Thu Nở hát, tình cờ dưới Bến Tre nghe được thấy hay mới liên lạc lại với ông và xin sử dụng, từ đó bài hát lan tỏa nhanh. Hay như bài Tiếng hát chim đa đa của Ns Võ Đông Điền hồi ra dự Liên hoan âm nhạc Vũng Tàu năm 2007 anh kể tôi làm hồi ở Bình Phước ai hát đâu khi về Sài Gòn gặp Vy Nhật Tảo rồi đưa Quang Linh hát mới lên dược cũng mất mười mấy năm, những bài hát có những sự may duyên như bài Ngọn lửa cao nguyên của Ns Trần Tiến, các anh em Ns Đồng Nai kể mời lên đi sáng tác dân tộc ít người Stiêng ở Đồng Nai gọi là Ngọn lửa Stiêng, sau  bài hát thịnh hành quá, được hát nhiều  nên nhạc sĩ đổi lại thành Ngọn lửa cao nguyên cho  nó phù hợp
Vậy thì chúng ta cứ sáng tác đi, cứ làm hết khả năng xem bài hát mình đi tới đâu?
Tìm nguồn cảm hứng để sáng tác vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì không có gì tự nhiên bằng việc ta bất chợt có cảm xúc để khơi nguồn cho việc sáng tác. Khó vì cảm hứng là một cái gì đó thật khó để nắm bắt. Về đạo nhạc hiện nay rất nhiều trên mạng vì dễ lấy, dễ copy ( bên văn học cung vậy) Có nhiều bài là hiện tượng, là phong trào nhưng cũng cho ta những suy ngẫm, tại sao lại ăn khách ồ ạt như thế? Giá trị nghệ thuật thì không bao nhiêu? Hàng triệu lượt like? Như Bài bolero Duyên phận của Thái Thịnh :
Phận là con gái, chưa một lần yêu ai
Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài
Cảnh nhà neo đơn, bầy em chưa lớn trĩu đôi vai gánh nhọc nhằn
Bài nầy tôi nghe na ná bài Chuyện tình Lan và Điệp ngày xưa cũng một thời ăn khách trước 1975:
Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng
Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca
Hay bài  gần đây người yêu nhạc rất thích, đó là bài Căn nhà xưa của Nguyễn Đình Toàn:
Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe
Nắng giòn trên mái...
chịu ảnh hưởng nhiều bài Mắt lệ cho người  của Từ Công Phụng:
Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi mang niềm đau...
Có thể chúng ta nghe một bài hát mà bạn yêu thích rồi chịu ảnh hưởng. Rất nhiều sáng tác của bạn có thể được lấy cảm hứng từ một giai điệu mà bạn yêu thích.
Đừng quá lo lắng về việc sẽ bị quy chụp là “đạo nhạc”, trong thế giới âm nhạc loay hoay  chỉ có 7 nốt nhạc thì phải có trùng tí xíu cũng không sao, chuyện nầy, trong những lần dự hội nghị, tham luận.... tôi hỏi các nhạc sĩ uy tín họ nói trùng một hai trường canh không sao, các nhạc sĩ lớn cũng có nhưng quan trọng là bố cục, khúc thức, ca từ đừng để trùng nhiều hay ảnh hưởng nhiều là không được ( chịu ảnh hưởng khác với đạo nhạc ? ) Ns Từ Công Phụng từng tâm sự, ngày xưa ông rất thích nhạc Đoàn chuẩn nên sau nầy viết nhạc ông chịu ảnh hưởng nhiều về  Đoàn Chuẩn nhất là các bài hát viết về mùa thu, giai điệu man mác nhẹ nhàng...
Những người mới tập sáng tác  thường thích phổ thơ vì có sẵn lời dễ gợi mở giai điệu cho ta, sẵn có một ý tưởng từ đó phát triển thành bài hát. Nhưng một bài thơ, nếu được giao cho một nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhiều năng khiếu âm nhạc, nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trong âm nhạc, người nhạc sĩ sẽ phát giác ra nhiều giai điệu tốt... người nhạc sĩ sẽ triển khai những âm điệu tiềm ẩn của bài thơ thành một ca khúc. Một bài thơ, nếu được giao cho một nhạc sĩ chưa có kinh nghiệm phổ nhạc, chắc chắn bài nhạc sẽ rất hạn chế về giai điệu. Đôi khi cảm hứng đến rất bất chợt, bạn hãy ghi lại tất cả những câu chữ nảy ra trong đầu bạn lúc ấy. Ca từ tuôn ra theo cảm xúc lúc nào cũng mượt mà và rung động. Đó chính là nguồn dữ liệu phong phú cho các sáng tác của bạn sau này. Phần lời trong bài hát có thể tạo nên một ca khúc hay hoặc làm hỏng cả bài hát. Lời bài hát phải gợi cho người nghe một điều gì đó để liên tưởng, để hát theo và thường chứa đựng một thông điệp có sức lan tỏa, tránh nhưng từ gượng ép, phản cảm mà cũng không nên ép từ quá vào giai điệu nghe khô cứng như ta nghe bài Vì đó là em của Diệu Hương có một vài từ theo tôi là bị gượng ép:
Cho dù biết em rồi đi
Cho dù biết không chờ chi
Nhưng lòng vẫn nghe cuồng si
Nghe trong ta quên đi lòng sầu hận (  Long sầu hận - phản cảm )
Ta yêu em chưa bao giờ một lần
Yêu em vì chỉ biết đó là em
(Vì đó là em – Diệu Hương)
Hay bài Chiều hạ vàng ( bài rất hay thịnh hành những năm thập niên 80)
Em hát đi lênh đênh giọt buồn
Hoài mãi trong ta bơ vơ chiều về
Dòng sông này nhớ mãi em ca
Nhìn hạ về cây lá rụng buồn
Em hát đi ru ngủ giấc chiều nay ( nghe như dù ngủ gật )
Mây bay bay mơ tiếng ca trên đồi
Chiều hạ về nhớ áng mây trôi
Lá trên cây hong con nắng mơ màng
( Chiều hạ vàng – Nguyễn Bá Nghiêm)
Bài Bến Xuân của Văn Cao:
Sương mênh mông che lấp kín non xanh ( nghe như Sường)
Ôi cánh buồm đâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca ( Ài thà hương)
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua
Nhưng tất cả những bài đó đều hay, đều được khán thính giả ái mộ, có lẽ nhờ giai điệu hay, lời hát đẹp nên người ta bỏ qua những cái lặt vặt? Theo kinh nghiệm, nếu những trường hợp trên mà muốn quá rõ từ thì mất hay, giai điệu bị gượng liền . Ví dụ như bài Ai có về Tây Ninh của tôi ( các ca sỹ thường hát trật cao đô vì muốn rõ lời?) : Ai có về Tây Ninh với tôi Vàm Cỏ sông trôi hoa tím lục bình.....( Đô ré mí sol, do do ré si. Sol sol la la – Sol lá mì mì...)
Cần có những cảm xúc  thật và đề tài hay mang tính thơ ca thì ta dễ sáng tác hơn. Năm rồi, có một số anh em đi thực tế sáng tác do Hội tổ chức, khi về tôi có hỏi 1 bạn có cảm hứng gì không? Bạn nói hơi khó làm vì chưa hòa nhập chưa tìm nhạc điệu được? Tôi hỏi đi đâu? nói đi Trại trồng dưa lưới xong qua trại nuôi ba ba... về suy nghĩ hoài làm không được? ( thật ra 2 đề tài nầy khó sáng tác, bên vọng cổ có thể dễ làm hơn vì từ bình dân, giai điệu đơn giản dễ viết lời như Cô gái tưới đậu, hay cô bánh bánh khọt, bán dưa hấu nó dễ sáng tác chứ đưa vào tân nhạc thì hơi khó?)
Ngoài ra, để bài nhạc được người nghe chú ý, nói cách khác, để bài nhạc còn lưu lại trong đầu người nghe sau khi nghe bài nhạc, bạn nên nhắc lại - nhiều lần - những câu hay, những câu lạ, những câu có ý nghĩa sát chủ đề của bài thơ.
Ví dụ như bài Mười năm tình cũ:
Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mưa bay đi một trời thương nhớ
Em ơi! Bên kia có còn mắt buồn?
Mười năm cách biệt một lần bỡ ngỡ
Quên đi quên đi mộng buồn bấy lâu
Nhưng em yêu ơi! Một vùng ký ức
Vẫn còn trong ta cả một trời yêu
(Mười năm tình cũ của Trần Quảng Nam)
Do đó bạn được một nhạc đề tốt, một giai điệu hay là lợi thế nhưng cũng nên chú ý đến ca từ là phần mềm dễ đi vào lòng người. Năm 2012 tại Liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức tại TP Phan Rang, tôi có dịp nhiều lần bàn luận về âm nhạc với Ns Nguyễn Văn Hiên, ông rút ra một kinh nghiệm rất tốt: khi sáng tác,giai điệu tiết tấu có thể chỉnh sửa một tí cũng được không sao, nhưng nếu ca từ mà lủng củng,thô thiển thì rất căng, sửa khó vô cùng…nếu sửa quá sẽ vỡ đi cấu trúc bài hát …Do đó, người nhạc sỹ phải ráng chăm chút cho ca từ trong bài hát của mình.Trong các tu từ  tiếng Việt có từ láy, các nhạc sỹ cũng thường dùng trong ca khúc cho lời thêm bóng bẩy, giàu hình ảnh nhưng phải biết lựa chọn cho hợp lí  ví dụ : có từ láy nói xuôi nói ngược vẫn có nghĩa như : yêu thương, ái ân, thướt tha, kết đoàn….nhưng có từ không nói ngược được rất vô nghĩa như vui vẻ, tung tăng, âu yếm, du dương….( không thể dùng tăng tung, vẻ vui, yếm âu, dương du…được)
Tóm lại, trong sáng tác muốn thành công, ngoài năng lực, năng khiếu còn có chút duyên trời cho để có thời điểm bài hát tỏa sáng, phủ sóng rộng, còn cách sáng tác, khúc thức, ca từ , giai điệu... thì mỗi chúng ta nên cố mày mò học hỏi siêng năng thì có hiệu quả tốt. Lời nhạc và giai điệu có phù hợp đẹp đẽ hài hòa với nhau thì  mới dễ đi vào lòng người được.
Ns Nguyễn Quốc Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét