Bố tôi lúc sinh thời có thói quen, khi thích bài hát, bản nhạc hay bộ phim nào đó thì nghe (xem) lại nhiều lần, liên tục trong vài tuần. Ông không phải fan của nhạc Trịnh nhưng trong một lần nghe album tuyển ca khúc Trịnh Công Sơn, sử dụng headphone rõ nét từng lời ông phát hiện ra bài “Đêm thấy ta là thác đổ” có lời thơ rất hay.
“Tình yêu vô cùng” không phá phách
Năm 2000, ông viết bài báo “Một bài thơ hay của Trịnh Công Sơn” (gửi đăng tạp chí Sông Hương, sau đó Tạp chí Người Đẹp Việt Nam xin phép đăng lại) để khẳng định sự bình chọn của mình.
“Ca từ bài này (tách khỏi nhạc) hoàn toàn đứng được như một bài thơ. Một bài thơ hay”, trong bài báo ông nhận định. Tôi từng hỏi bố “bố thích câu thơ nào nhất?”, ông nói “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ”. Ông nghe đi nghe lại cả bài hát để thưởng thức đúng 7 từ này. Với ông “đêm thác đổ” là hình ảnh rất đắt của trạng thái đang tồn tại của con người. Không chỉ những người đang yêu.
Ông viết: “Đọc bài thơ ta đi vào thế giới mơ mơ của gác nhỏ và đốm lửa, của lá cỏ và lời khấn nhỏ, của đóa hoa mới nở và bước chân người rất nhẹ… Trong thế giới nhỏ nhẹ này có thác đổ. Sự mãnh liệt của tình yêu thường được so sánh với bão táp (Cơn bão tới rồi, tiếng rì rầm nước, lửa…, Maiacopxki). Cơn bão nào rồi cũng tan. Trận bão nào cũng để lại tan hoang, phá phách. Thác đổ cũng mãnh liệt. Nhưng đây là sự mãnh liệt vĩnh cửu và không hề có sự phá phách. Thác đổ là “tình yêu vô cùng””.
Trịnh Công Sơn khó phân định
Bố tôi không quen nhạc sĩ họ Trịnh, sau khi bài báo xuất hiện, bỗng một lần ông nhận được cuộc điện thoại gọi vào số máy nhà. Ở đầu dây bên kia, nhạc sĩ xưng tên và ngỏ lời cảm ơn nhà phê bình đã ghi nhận “thơ tình Trịnh Công Sơn”. Nhạc sĩ muốn mời gặp mặt “nếu anh có dịp vào TP Hồ Chí Minh”. Không lâu sau, hai người đã hẹn gặp nhau ở nhà vườn của nhạc sĩ. Theo lời bố tôi, Trịnh Công Sơn là người dè dặt, vẻ mặt tư lự khi lắng nghe người đối thoại. Tôi hình dung nhạc sĩ là người thỉnh thoảng lạc vào cõi của mình mặc cho người xung quanh trò chuyện lao xao. “Có vẻ ông ấy là người khó tính và tương đối khó phân định”, bố tôi nhận xét.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng ví “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Nhưng ngoài đời tác giả “Diễm xưa” khá cầu toàn, khắt khe để có được ca từ nhẹ nhàng, mơ hồ. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đồng cảm với tâm trạng mâu thuẫn, đôi lúc thất thường khó phân định của nhà thơ ngoài đời cũng như trong sáng tác.
Đọc lại những bài phỏng vấn, không khó để thấy quan điểm trái ngược nhau của nhạc sĩ về tình yêu. Có lần Trịnh Công Sơn viết: “Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu, những khi tôi giận hờn cuộc đời. Khi cuộc đời yêu tôi, tôi sẽ là tín đồ của tình yêu. Lần khác, trả lời câu hỏi “Tình yêu là gì?”, ông nói: “Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình hoàn toàn không hiểu…, và cho đến giờ này, phải nói thật một điều là tôi cũng không hiểu tình yêu thực sự đã cho tôi được những gì”.
Sự “khó phân định” này cũng từng được nhạc sĩ Văn Cao nhắc đến: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Phạm Duy viết: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”.
Mạn phép vong linh bố và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại câu chuyện này. 
Đoạn trích từ bài báo “Một bài thơ hay của Trịnh Công Sơn”
“Tài hoa, tinh tuý đã cất cánh từ những ca khúc đầu tay và độc chiếm một đường bay ngoạn mục, sầu muộn của văn chương lãng mạn thế kỷ này” (lời của Kim Ngọc, nữ nhạc sĩ Hà nội trả lời bài phỏng vấn của Hoàng Ngọc Hiến về ca khúc Trịnh Công Sơn).
Đêm thấy ta là thác đổ
Trịnh Công Sơn
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt thấy đoá hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe
Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời ta có ai vừa qua
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi thấy quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quì
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Bài thơ tình thế kỷ của Trịnh Công Sơn - ảnh 1Bài thơ tình thế kỷ(Tienphong.vn)