Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Ly rượu mừng Khúc hoan ca dân tộc

LY RƯỢU MỪNG - KHÚC HOAN CA ĐẬM TÌNH DÂN TỘC
Nguyễn Duyên

Những năm còn đi học, năm nào họp bạn hay làm lễ tổng kết thì cũng gần tới Tết là bọn chúng tôi đều hát vang bài hát Ly rượu mừng. Bài  hát đã ra đời trên 60 năm ( từ năm 1952)  rất  thịnh hành  ở Miền Nam trước 75, được hát trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức trong dịp xuân về, nhưng sau 75 bài hát bị tạm dừng. Theo nhà báo Nguyên Minh, nguyên do là việc nhắc tới người lính, tới từ “đời
lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm? “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào?”, ông chia sẻ. Sau nầy người ta mới xác định được Ly rượu mừng sáng tác khoảng thời gian 1951-1953.Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát viết về người lính chống Pháp. Và phải chờ trên 40 năm qua, dựa trên những  cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được lưu hành hồi đầu năm 2016. “Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”. Đây là niềm vui lớn cho những người yêu nhạc, thể hiện tình dân tộc và đại đoàn kết, phải nói âm nhạc không biên giới làm cho  chúng ta gần lại bên nhau.Trên website cá nhân, nhà thơ Du Tử Lê từng viết: “Tôi muốn gọi 'Ly Rượu Mừng' là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất 'kinh điển' hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình”
 Một điều đặc biệt là trong cả toàn bài “Ly Rượu Mừng,” chỉ có một chữ “Xuân” duy nhất trong câu đầu: Ngày xuân nâng  chén ta chúc nơi nơi...Nếu bỏ chữ “Xuân” này thì cả toàn bài chỉ hoàn toàn nói về chúc tụng mọi người và đất nước, và không có một chút xíu gì về Xuân hoặc Tết cả? Thật ra không phải như vậy, nếu không có chữ Xuân thì mọi người vẫn hiếu là chúc tụng ngày Tết, vì truyền thống dân tộc là chúc tụng, vui mừng nhau trong dịp đầu năm
Bởi vậy, “Ly Rượu Mừng” luôn được coi là bài hát tượng trưng cho dịp Xuân về, Tết đến? Chính vì thế mà đời sống âm nhạc của nó rất dài trên nửa thế kỷ qua. Không phải ngẫu nhiên mà Đài truyền hình VTV đã được chọn bài hát nầy để kết thúc chương trình Giai điệu tự hào tháng 12.2016  đã khiến nhiều người xúc động. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi” Và theo tôi nghĩ đây cũng là một giai điệu rất đáng tự hào!?
Có thể nói đây là  một bài hát tiêu biểu cho ngày Tết mà khó có bài hát nào có thể thay thế được? Nó như một Happy New year của Việt Nam do tính lịch sử, tính nghệ thuật và sự yêu mến của người Việt  trên khắp thế giới trở thành một thói quen thông lệ khó bỏ: cứ Tết đến là hát bài nầy từ 6 thập kỉ qua rồi. Tuy rằng bài hát không nói những  chi tiết quen thuộc ngày Tết như pháo nổ, hoa mai hoa đào nở, bánh kẹo trái cây... nhưng đánh đúng vào truyền thống đẹp của dân tộc trong dịp Tết là chúc Tết. Ngoài ra, với điệu nhạc Valse vui tươi, giai điệu trầm bổng, tiết tấu sống động, lời ca đơn giản, bài hát rất  thích hợp với mọi tầng lớp dễ hát, dễ nhớ nên rất gần gũi
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Anh em đều là những người tài năng như anh trai Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung , chị gái Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy,  và cô em gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh tất cả là thành viên của Ban hợp ca  nổi tiếng Thăng Long. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi mới 18 tuổi với ca khúc Ra đi khi trời vừa sáng
Trong thập niên 1950, ông liên tục sáng tác những ca khúc thành công vang dội như Ly rượu mừng,Thuở ban đầu, Xóm đêm, Đón xuân,Tiếng dân chài, Hội trùng dương… tới thập niên 1960, ông cũng cho ra đời nhiều sáng tác để đời như Nửa hồn thương đau, Khi cuộc tình đã chết, Người đi qua đời tôi,…
Phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra đi khi trời vừa sáng, Hò leo núi... nét nhạc rất hùng kháng, tươi trẻ.
Nhắc đến Ly rượu mừng là phải nhắc đến ban hp ca Thăng Long vì chính ban nầy làm nên tên tuổi bài hát từ những thập niên 50 và nó thường được hát hp ca hay đơn ca có tốp bè phụ họa

Vào đầu bài hát là lời chúc thân mật: Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi... sau đó là chúc từng đối tượng gần gũi: mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi đến người thương gia mang nhiều niềm vui, mã đáo thành công, lợi tức nhiều…. đến chúc người công nhân ấm no, thoát đời nghèo khó….Quả là bức tranh sinh động lạc quan cho mọi tầng lớp, là khúc hoan ca an lạc thái bình :
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Bài hát đã trải dài trên nửa thế kỷ qua, mỗi khi xuân về đều nghe hát vang mọi nơi trong các sự kiện trong và ngoài nước, trên các đài truyền hình, trên mạng,trên các live show, kể cả trong dân chúng hát vang trong họp bạn, vui chơi ngoài đường phồ, các dịp chúc tụng nhau. Ly rượu mừng đúng là khúc hoan ca của dân tộc như lời kết bài hát:
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới
Nguyễn Duyên

Nghe Ly rượu mừng Ban Thăng Long




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét