Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Bài hát Tình đồng chí âm vang mãi mãi về tình đồng đội


BÀI HÁT “TÌNH ĐỒNG CHÍ” ÂM VANG MÃI MÃI VỀ TÌNH ĐỒNG ĐỘI

NGUYỄN DUYÊN

Bài thơ “Đồng chí” là một bài thơ hay, rất quen thuộc với chúng ta (vì nó nằm trong chương trình văn học ở bậc trung học phổ thông). Chính Hữu viết bài này vào đầu năm 1947, khi đó ông còn là một chính trị viên ở một đại đội tham gia chiến dịch Việt Bắc nên thấy rõ đời sống gian khổ của người lính: bộ đội chưa có dép, những con sốt rét dữ dội, trời đầy sương muối.... nên có những câu thơ :
“.....Áo anh rách vai
quần tôi có hai miếng vá
miệng cười buốt giá
chân không giầy
thương nhau tay nắm lấy bàn tay....”
 Vào những năm 1949 tờ  Sự thật đã đăng bài thơ này, tình cờ đến tay một chính trị viên trung đoàn 82 Bình Thuận (khu 6 cũ). Minh Quốc không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng là người lính nên đồng cảm với bài thơ và phổ nhạc. Bản nhạc soạn khá nhanh trong một đêm trăng đến hôm sau là
xong. Bài hát TÌNH ĐỒNG CHÍ lan đi rất nhanh vào cả vùng tạm chiến đi sâu xuống các vùng Nam Bộ, ca sỹ Quốc Hương là người từng hát nhiều nhất bài này và những người yêu thích bài hát cũng không rõ ai là tác giả?
Sau nầy người ta mới biết đó là tác giả Minh Quốc. Minh Quốc tên thật là Trương Công Minh, từ năm 18 tuổi (1942)  ông  đã tập tành sáng tác những ca khúc như: Thời xưa, Thi đua ái quốc,Trại hè Lam Sơn, Du kích Việt Nam, Trèo núi.... Ông đã có một số bài được thịnh hành thời đó như bài Bốn mùa đợi mong được in bán ở Sài Gòn năm 1952. Năm 1985 Minh Quốc gặp nhạc sĩ Lê Thương, hai người mừng rỡ ngày hội ngộ, Lê Thương nói: “Tôi rất thích bài hát Bốn mùa đợi mong, nay mới vinh dự làm quen tác giả”. Năm 1992 Minh Quốc về thăm quê hương Phan Thiết, bất ngờ ông được Trương Hoàng Nam 77 tuổi tặng bản nhạc Bốn mùa đợi mong do Nhà xuất bản Kim Thạch in năm 1950 tại Sài Gòn, niềm vui bất ngờ quá, Minh Quốc rưng rưng nâng niu đứa con đã hơn 40 năm lưu lạc.
Có lẽ trong sự nghiệp sáng tác của Minh Quốc chỉ có bài Tình Đồng Chí là còn đọng mãi trong lòng ngưi nghe theo năm tháng, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua không ai có thể quên được, nó đã ghi lại một thời hào hùng của lịch sử, thể hiện tình đồng đội, đng chí rất cảm động trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc. Mãi đến năm 1985 Minh Quốc và Chính Hữu mới có dịp gặp nhau tại Hà Nội. Khi bài hát ra đời cả hai cùng lứa tuổi đôi mươi, nay gặp lại nhau hai mái đầu đã bạc. Chính Hữu nói: “Nhờ anh mà bài thơ tôi được chắp cánh....” Minh Quốc nói: “Nếu không có bài thơ của anh thì làm sao có bài hát của tôi được?”. Đúng là văn chương tri kỷ, bằng hữu tri âm. Có điều mọi người không ngờ rằng Minh Quốc được quần chúng phong tặng danh hiệu Nhạc sỹ từ mấy chục năm nay, nhưng ông chưa phải là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam?
Ngày 5- 6- 2003 Minh Quốc ra đi tại quê hương Phan Thiết để lại bao luyến tiếc cho người hâm mộ, nhưng bài hát “Tình đồng chí” của ông vẫn còn âm vang mãi trong lòng người, trong trái tim của nhân dân.

NGUYÊN DUYÊN

   





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét