Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Lan man chuyện đạo thơ


LAN MAN VỀ CHUYỆN ĐẠO THƠ
Nguyễn Nhạc Cụ
Gần đây người ta hay nói  đến đạo thơ, đạo văn, đạo nhạc... có nghĩa là lấy tác phẩm người khác làm của mình, cách lấy nầy có nhiều cách: lấy ý tưởng, lấy nội dung, lầy câu từ, tệ hơn là copy gần nguyên bài?...nhưng cũng có người cho rằng thơ dễ trùng câu từ nhất là từ thường thường như: mây gió, trăng sao, tình muộn, tình hờ, chia xa ngăn cách....thì không thể gọi là đạo được?nhưng theo tôi làm thơ nên tránh những từ quá quen thuộc dễ trùng lấp mà nên sáng tạo như ngày xưa Thanh Tâm Tuyền có bài Lệ đá xanh là những tử đặc thù  rất lạ, sáng tạo, nếu chúng ta dùng dễ bị nghi ngờ? Hay từ cát bụi tuyệt vời hoặc câu ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, Rồi như đá ngây ngô, đêm thấy ta là thác đổ hay đóa hoa vô thường.... là
thương hiệu TCS  thì nên tránh?! nếu có mượn thì phải ghi chú thích đàng hoàng
Năm 2015 tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 81 có in bài thơ Tự bạch của tác giả Phan Huy dài 28 câu, thể lục bát cũng dấy lên luồng tranh luận. Trong đó có câu
: “Gió Lào thổi rạc bờ tre
Đung đưa cánh võng trưa hè ầu ơ”
và “Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì làm trọn kiếp con tằm nhả tơ”.
Câu Gió Lào thổi rạc bờ tre giống y câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong bài Tiếng Nghệ:
 “Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn”
(Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi, NXB Văn học 2002).
Như vậy là Phan Huy đã đạo thơ hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?  Nhà văn Lê Xuân Bột cho rằng đây là đạo thơ, còn có người nói rằng vô tình trùng ý mà thôi!? Chỉ có nhà thơ mới trả lời được? Cái dỡ của nhà thơ là câu của Nguyễn Du ai cũng biết thì lấy làm gì? ( Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.)
Nhiều người nghĩ : Hàng ngày có hàng ngàn bài thơ trên toàn quốc, có hàng chục ngàn câu thơ, thì sự trùng lặp trong một vài câu nào đó là điều khó tránh khỏi. Mà nếu lỡ trùng một câu thơ mà mang tội đạo thơ thì cũng nghiệt quá?  Có trường hợp lộ liễu...thì khỏi nói rồi, nhưng cũng có trường hợp bị oan do  cách nhìn chủ quan của  từng cá nhân?
Trong đời sống văn học, có những câu thơ đi vào ngôn ngữ của người đời và được tồn tại lâu dài  đến nỗi người ta không còn nhớ tên tác giả. Như  bài thơ Vĩnh biệt ca của Pháp ( Rondel de l''adieu ) có câu:
Partir, c’est mourir un peu.
C'est mourir à ce qu'on aime
Ra đi là chết trong lòng một ít
Cho những gì ta thương mến thiết tha
Tác giả là Edmond Haraucourt (1857-1941)
Hẳn những người yêu thơ còn nhớ câu thơ quen thuộc của Xuân Diệu :
Yêu, là chết trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
trong bài thơ Yêu.( bài thơ nầy có phổ nhạc) Xuân Diệu cũng dựa câu thơ trên chỉ sửa ra đi thành chữ yêu   đã tồn tại nữa thế kỷ qua thì có đạo thơ hay không hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay mượn ý ?
Cuối tháng 6/2018 trên facebook cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bài nêu: Câu thơ "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru" của Nguyễn Duy đã đạo câu thơ Xuân Quỳnh: "Dẫu con đi đến suốt đời/Vẫn không đi hết những lời mẹ ru". Câu thơ Xuân Quỳnh ở bài Lời ru, còn câu thơ Nguyễn Duy trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Nguyễn Duy cho rằng khi ông làm ông không biết câu thơ XQ do đó có thể là sự trùng hợp thôi, nhà phê bình Chu Văn Sơn cho biết ông đã nhận thấy sự gần gũi của hai câu thơ Xuân Quỳnh- Nguyễn Duy từ hai chục năm trước, nhưng có cách cắt nghĩa khác hẳn Trần Mạnh Hảo.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng “sự gặp gỡ tương đồng trong văn chương rất nhiều”. Và nói thêm:
“Thời văn học trung đại thì phổ biến là người sau lấy người xưa làm khuôn mẫu. Đến thời hiện đại, việc lặp lại sẽ bị quy đạo văn nhưng không phải mọi trường hợp giống nhau đều là đạo văn. Vì trong sáng tạo, có sự tương đồng về tư duy.  “Không phải lúc nào các nhà văn cũng đọc của nhau. Họ có thể gặp nhau tình cờ trong tư duy, trong các tình huống văn chương. Nguyễn Duy gia tài thơ quá lớn, việc gì phải lấy câu thơ vặt vãnh của người khác”.
Đơn cử  hư câu thơ này : Có một cụm từ rất giống hai cụm từ trong 1 bài thơ của Hoàng Trung Thông "Bài thơ báng súng" :
Người ngã xuống cho vạn người đứng dậy MT
(Những đứa con không về )
Thơ HTT là:
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.
( Bài thơ báng súng )
Vậy trong 2 bài thơ chỉ trùng cụm từ nầy: người ngã xuống, người đứng dậy  thì gọi là đạo thơ không ? hay trùng hợp ngẫu nhiên hay là mượn ý hay nghe quen rồi không nhớ bị ảnh hưởng?  Những từ nầy cũng là quen thuộc dễ sử dụng, chúng ta mỗi người theo chủ quan của mình thì cũng khó lòng, chỉ có những nhà thơ uy tín, nhà nghiên cứu trả lời hộ?
Một dạo, người ta cũng đồn Nhà thơ Hữu Thỉnh  cũng có những câu giống thơ Tự Đức  rất quen thuộc với người yêu thơ :“Đập cổ kính ra tìm thấy bóng – Xếp tàn y lại để dành hơi”  (khóc Bằng Phi ) dựa ý nghĩa trên ông đảo ngữ  ra câu thơ : “Mở trăng ra tìm, Trăng còn in bóng – Mở cỏ ra xem, Cỏ còn hơi ấm” nhưng có lẽ đây là ý tưởng trùng hợp với nhau? Hoặc có thể tác giả đã biết bài thơ trên từ lâu và chịu ảnh hưởng. Cái nầy trong văn nghệ thường có, nhạc sỹ Từ Công Phụng có lần tâm sự hồi nhỏ thích nhạc Đoàn Chuẩn nên khi sáng tác ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng ( Một chút về Từ Công Phụng qua ngòi bút của Du Tử Lê)
ĐÊM KHÔNG ANH
     Tác giả Mai Tuyết
Đêm
khắc khoải
tiếng thạch sùng tặc lưỡi
Em lăn tròn
về bóng tối
phía không anh
Bên gối nhỏ
thiếu vòng tay dang rộng
Chiếu chăn nào cho hơi ấm mỏng manh.

Đêm
lạnh lùng
giá rét nào rên xiết
Đưa tay lên
không chạm được nỗi lòng
Trăng cuối mùa
nhớ anh nên trăng khuyết
quạt tro tàn
sao cháy nổi mùa đông.

Đêm
cô đơn
trên chiếc giường rất rộng
Thiếu anh rồi
tóc cũng biếng rẽ ngôi
Em tội tình
mười ngón tay đan nhớ
Anh có về
theo cổ tích xa xôi

Đêm
nỗi nhớ
vo tròn trong nỗi nhớ
Một vì sao rơi khẽ ở bên mình
Người chở mùa đông
qua bến hẹn
Chở giùm em
Sợi tóc nhớ

2. ĐÊM KHÔNG ANH
Tác giả: Hương Ngọc Lan
Đêm không anh... em một mình trăn trở
Nhớ cồn cào, lay lắt trái tim ngoan
Gió bên thềm mang nỗi nhớ đi hoang
Hồn lạnh buốt
giọt sầu loang đêm tối

Đêm không anh... thèm được vòng tay gối
Chiếc giường quen
bỗng...
thấy rộng thênh thang
Tiếng thạch sùng như tiếng nấc thở than
Bờ vai lạnh
vì sương?
hay... nước mắt?

Đêm không anh... chợt thèm làn hơi ấm.
Nghiêng bên nào
cũng nghe quá chơ vơ
Gọi tên người trong cả những giấc mơ
Mà chỉ thấy
vỡ òa bao nỗi nhớ

Đêm không anh
tim em đau rạn vỡ
Với tay tìm níu phút ái ân xưa
Nhưng chỉ toàn tiếng gió rít song thưa
Nghe chua xót lòng ngậm ngùi tê tái
Gần đây trên  mạng xã hội FB cũng râm ran một bài thơ ở Tây Ninh đã được giải thưởng của LHCHVHNT VN năm 2017 ( trong tập thơ Người đàn bà nhặt nỗi buồn – 2016 ) của Mai Tuyết bài Đêm không anh, nhiều người cho rằng giống bài Đêm không anh của Hương Ngọc Lan ở Tiền Giang - 2016. Trước khi bàn thảo, xin đăng toàn văn 2 bài thơ cho quý vị xem :
Nhận định chung thì 2 bài thơ nầy có những điểm giống nhau về ý : nỗi nhớ da diết của  người con gái nhớ về người yêu, hay người chồng? Không gian về ban đêm ( thì tựa đã nói rồi Đêm không anh mà...!) cảnh vật vắng lặng chỉ nghe tiếng thạch sùng kêu buồn bã, bên chiếc giường rộng trăn trở thao thức....thèm một làn hơi ấm!.... đại khái là như vậy. Có người cho rằng MT đạo ý tưởng của HNL,( vì bài HNL xuất bản trước)  riêng nhà  thơ Mai Liễu và Trần Hoàng Vy cho  rằng chỉ trùng cái tựa thôi, không có cơ sở nào gọi là đạo thơ nhau được, xem đi xem lại ta thấy ngoài cái tựa giống nhau thì không có gì gọi là đạo thơ vì chủ đề nhớ nhung, không gian, cảnh vật ban đêm nên có một vài từ trùng hợp là chuyện bình thường, nhất là từ ngữ thường thức thì dễ trùng,
Về cái tựa đề trùng nhau thì trong văn học thiếu gì ? Ngay như  đợt trao giải Xuân Hồng năm 2017 có bài hát : Bên tượng đài chiến thắng Tua Hai của NS Nguyễn Quốc Đông đạt giải thì nhà thơ Phan Kỷ Sửu khiếu nại với Hội VHNT TN rằng lấy thơ ông phổ nhạc ? khi Hội kêu đưa ra bằng chứng thì ông không có gì cả. Hội mới nhận được ấn bản bài hát do Sở VHTTDL TN in từ năm 2005, sau đó xem lại thì bài của  PKS đăng báo Tây Ninh năm 2010 ( sau bài hát tới 5 năm) và nội dung thì hoàn toàn khác chỉ trùng cái tựa, vậy ai lấy ai? Cho thấy sự hấp tấp của nhà thơ cũng là cái dỡ? Còn nhạc sỹ thì cũng cười trừ vì ông cho rằng cái tựa nầy cũng dễ bị trùng? Thế thôi! Về cái tựa thì kể cả  những người nổi tiếng vẫn bị như thời tiền chiến có bài Làng tôi của Chung Quân rất hay, sau thời kháng Pháp có bài Làng tôi –của Văn Cao ai cũng biết và bài Làng tôi  của Hồ Bắc thì có sao đâu? hay bài Tình ca của Phạm Duy, rồi  Tình ca của Hoàng Việt hay bài Tình ca mùa xuân của Trần Hoàn sau nầy có Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập thì người ta vẫn ca rầm rầm, bài nào cũng hay cả  có ai nói gì? Như tựa  bài  Huyễn hoặc ngày em - Thơ Trần Nhã My thì cũng na ná tựa  Huyễn hoặc giấc mơ của  Khaly Chàm trước đó, nhưng chỉ là tựa thôi chứ không giống nội dung, thì những trùng hợp nầy rất bình thường. Theo riêng ý tôi trong sáng tác ta cũng nên cố tránh những từ quá thông dụng hay sáng tác rồi mà phát hiện trùng khớp câu từ nào đó nên chỉnh sửa thì hay hơn, đừng để thiên hạ nghĩ lầm?  Đại để như các cụm từ dễ sử dụng: Như là huyền thoại, chiều mưa nhớ em, chiều mưa nhớ nhau.. Bên tượng đài chiến thắng... tình đất tình người, Tình ca mùa xuân, làng tôi, dạ khúc, tình ca.. Mây vẫn bay về núi, tình quê, tình quê hương, Mây trắng về đâu.vv...thì. rất dễ trùng  hợp vì từ thường thức dễ xài, dễ dùng..do đó làm thơ nên đọng não ra các từ mới sáng tạo tạo nét riêng cho mình thì hay hơn
Còn nhớ năm 2015 trên văn đàn cả nước lại ồn ào rùm beng  chuyện có 2 bài thơ giống nhau như đúc, bài Bạch lộ của Phan Huyền Thư được giải Hội nhà văn Hà Nội rất giống bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan TP HCM chắc đôi khi vì đọc nhiều thơ quá mà ngấm lời thơ của các nhà thơ , khi cảm xúc đến vô tình nghĩ tưởng đó là cảm xúc của mình lại dùng ngay, xin trích  nguyên văn 2 bài :
BẠCH  LỘ –
Phan Huyền Thư  2015
(Độc ẩm với Lã Bất Vy)
Những gương mặt người
Quen mà không quen
Từng giọt sương nén trong veo câm nín
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
Em một mình
Ngồi khuấy loãng thời gian
Buổi sáng muốn ôm anh
Nắng nói lời mê ngủ
Buổi sáng muốn gọi anh
Mây tái mặt thẫn thờ
Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ
Bản Blues jazz đêm qua lẩn khuất phím
dương cầm
Người thiên di cung bậc cuối cùng
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa
Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ
Điềm tĩnh ngồi chờ gió
Về tan cùng tàn thu
Buổi sáng
Một mình
Quen mà không quen…
Lục lọi trí nhớ một hình nhân đêm
Quấn quýt trùng căng kén ngà, tơ lạ
Nuốt vào chầm chậm như loài lông vũ
Vừa bay vừa thảng thốt…âm u
Buồn ngại ngần níu vạt ngu ngơ
Chậm mất nhau cuối mùa
Bão giông đã nửa đời lạc nhịp
BUỔI SÁNG
Của Phan Ngọc Thường Đoan
Trong tập Những gương mặt người  xb 2003
Quen và không quen
Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
gõ thức mặt trời
Em ngồi một mình
Khuấy loãng thời gian
Buổi sáng muốn gọi anh
Nắng nói lời mê ngủ
Gió se lạnh chối từ
Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ
Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên
phím dương cầm
Người đã vội quên cung bậc cuối

Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa
Ai hờ hững xéo lên lá cỏ
Buổi sáng ngồi một mình
Không quen những nụ cười lạ
Em đậm đặc với nắng thu mưa hạ
Tan cùng tàn đông
Lòng bàng hoàng luyến tiếc níu vạt áo xuân
Đã chậm mất nửa mùa cuối cùng
Khói thuốc cay và cà phê đắng
Cơn đau màu men ngà
Buổi sáng ngồi một mình
Uống cạn kiệt
lạ quen!
2015

Nếu so bài thơ trên của Mai Tuyết và Hương Ngọc Lan thì còn chống chế được, riêng bài  Bạch Lộ của Phan Huyền Thư thì rõ ràng đã lấy ý tưởng, cả từ ngữ bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan rồi, chớ không thể nào dòng tư tưởng, từ ngữ lại trùng hợp ghê gớm như thế? ( bài của PNTĐ làm trước bài của PHT trên 10 năm – nghe nói lúc đó PHT đã  viết thư xin lỗi nhà thơ PNTĐ và Hội Nhà văn Hà Nội đã rút giải thưởng ). Việc nhận định đạo thơ? Đạo ra sao? Cũng cần có cách nhìn khách quan,vốn liếng văn học và sự trải nghiệm, chứ chúng ta cứ khắc khe  hẹp hòi hay quá đáng bắt lỗi chỉ vì một từ, một câu nào đó hơi giống giống mà gọi đạo thơ thì cũng oan cho người viết? Nếu bắt lỗi như kiểu nầy thì e rằng nhà thơ nào cũng dính chút đỉnh? Thử làm một động tác: ta chọn vài từ hay một câu nào đó trong tập thơ của ai rồi bỏ vào Google bảo đảm sẽ ra những câu, những từ na ná !??
Để kết luận bài viết xin mượn ý của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói: “Từng đã có người viết câu trước câu như thế này thì mình viết sau phải tránh va vào là chuyện nên làm. Ví dụ: Trăm năm trăm cõi người ta của Nguyễn Du, bây giờ dám ai mang vào thơ của mình không? Lâu nay cũng có việc một số tác giả mượn ý thơ của nhau là bình thường.
Còn nhà thơ Trương Nam Hương thì cho rằng khi làm thơ, dù ý tưởng có chợt đến với mình, nhà thơ cũng tỉnh táo nên tránh xa. Đọc thơ mới sáng tác mà người ta nghe giống giống ở đâu đó thì nguy lắm. Hết sức tránh đi lạc vào lối mòn của người khác đã đi”.
Thiết nghĩ  đó  cũng là lương tâm người cầm bút chớ không ai  nhảy vào mà biết được? Các lý lẽ đôi khi cũng biện hộ hoặc hạn chế những trùng hợp vô tình đều phải tránh? nhà thơ phải sáng tạo, phải tư duy tốt và có lòng tự trọng nên tạo riêng phong cách cho mình, tất cả những dễ dãi trùng hợp, đạo ý tường cóp nhặt của người khác thành văn mình là điều tối kỵ của văn nghệ sỹ
Nguyễn Nhạc Cụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét