Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Về tác giả bài hát Giã Từ


V tác giả bài hát Giã từ

Nguyễn Duyên

Trước 1975 những người yêu nhạc ở Tây Ninh hầu hết  đều biết bài hát Giã Từ với thể điệu Bolero rất hay tình cảm…
Sau nầy, bài hát đã được Bộ VH TT & DL cho phép sử dụng trở lại, bài hát nhanh chóng đã được mọi người đón nhận nồng nhiệt, rất ăn khách với khán thính giả và được rất nhiều giọng hát nổi tiếng trong nước và hải ngoại thể hiện như: Giao Linh, Phương Dung, Quang Lê, Trường Vũ, Đan Nguyên, Mạnh Quỳnh, Bảo Yến, Chế Thanh, Ngọc Sơn, Quốc Đại… Trong Giải Mai Vàng năm 2007 (11/1/2007) ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã chiếm giải ca sĩ nhạc nhẹ cũng qua bài Giã từ nầy. Cho thấy sức hút của ca khúc nầy rất mạnh, rất lan tỏa....
Trên các website, nhật báo viết khá nhiều giai thoại về bài nầy như nhacvangonline, nhacso.net, báo Thanh Niên…vv
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng (tác giả bài hát) có kể về hoàn cảnh ra đời bài hát nầy như sau:
“Năm 1970, tôi cùng một nhóm sinh viên Văn Khoa hay vào một quán cà phê tại Đa Kao (quận 1) bởi quán này có một người con gái đẹp tên Diễm ngồi thu ngân. Tôi biết Diễm để mắt tới tôi bởi lúc ấy tôi có sáng tác bài Mắt Diễm buồn cho ca sĩ Elvis Phương hát được nhiều người biết đến. 
Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc Giã từ…”.
Được biết: năm 1971, Tô Thanh Tùng tình cờ quen một cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân có giọng hát rất hay, anh liền mời cô này từ Sa Đéc về Sài Gòn thu âm bài Giã từ để gửi cho đài phát thanh. Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dinh (Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn) lại từ chối phát vì quy định lúc đó tất cả các ca sĩ được xuất hiện trên sóng phát thanh đều phải đạt tiêu chuẩn là nổi tiếng. Trong khi đó Thu Vân chỉ là một ca sĩ dưới miệt vườn, không có tiếng tăm. Nhưng khi nghe qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh đồng ý cho phát một lần vào sáng chủ nhật, nếu dư luận tốt thì sẽ phát tiếp. Không ngờ với phong cách bolero tuyệt vời cộng hưởng cùng giọng hát da diết của Thu Vân, Giã từ đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả yêu âm nhạc. Cô ca sĩ miệt vườn này cũng nổi tiếng từ đó ( đã mất  năm 2008 tại Sa Đéc)
Thật ra, từ những năm thập niên 70 bài nầy cũng rất thịnh hành ở Tây Ninh, nhiều người yêu nhạc đã thuộc lòng, đã hát khắp nơi: từ sân khấu cho đến tiệc tùng, đám cưới, họp bạn… Ai cũng biết tác giả là nhạc sĩ Băn Vi (sinh năm 1949). Lúc đó, anh là một tay trống có tiếng trong Ban nhạc của tỉnh nhà… Anh đánh trống rất điệu nghệ thu hút khán giả nhờ tài roulé và tung hứng dùi trống lên cao quay vài vòng, khán giả tán thưởng nhiệt liệt và lúc đó anh có mở một lớp dạy trống ở Long Hoa lấy tên là Băn Vi. Bút danh Băn Vi cũng khá lí thú, theo lời anh em thân thiết nói lại: Băn Vi là cách chơi chữ, anh tên thiệt Huỳnh Văn Bi – Văn Bi đọc ngược là Bi Văn – nói láy lại là Băn Vi.
Câu chuyện của bài hát được vang xa, theo lời Băn Vi có kể cho anh em nghe: anh có quê vợ ở Hồng Ngự - Đồng Tháp (cùng quê nhạc sĩ Tô Thanh Tùng). Trong một lần về Hồng Ngự chơi, Băn Vi có ghé vào một quán nước tình cờ gặp Tô Thanh Tùng, anh em có máu văn nghệ nên quen nhau liền, biết Tô Thanh Tùng là một nhạc sĩ anh đã hát ngay một bài nhạc đầu tay cho ông nghe: đó là bài Giã từ. Bài hát với giai điệu ngọt ngào, mượt mà đã làm Tô Thanh Tùng ngây ngất và ông muốn có ngay bài hát nầy nên nhờ Băn Vi ghi lại cho ông. Băn Vi lúc đó tuy đã chơi nhạc nhưng chỉ là một nhạc công tỉnh lẻ, không tiếng tăm gì cho lắm, biết Tô Thanh Tùng làm nhạc và quen biết giới nhạc ở Sài Gòn, cũng muốn nhờ người lăng xê nên viết ngay và đưa cho nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Sau đó Tô Thanh Tùng đã nhờ nhạc sĩ Quốc Dũng hoà âm và nhạc sĩ Lê Dinh thu thanh đưa lên Đài phát thanh Sài Gòn như lời kể trên. Chuyện gặp gỡ nhạc sĩ Tô Thanh Tùng khi về Tây Ninh, Băn Vi có kể lại cho người bạn thân - làm chung ban nhạc là nhạc sĩ Hoài Nguyên biết.
Trước năm 1975 bài hát được xuất bản đứng hai tên: Tô Thanh Tùng và Băn Vi. Về xuất xứ bài hát nầy, không giống như nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể. Băn Vi lúc sinh thời có tâm sự là lấy cảm hứng từ cô gái mà anh yêu thích, nhà có tiệm phở nổi tiếng ở Chợ Cũ - Long Hoa năm 70 (vì lí do cá nhân xin được giấu tên). Một thời gian quen nhau, có cảm tình nhau nhưng sau đó cô sang ngang đi lấy chồng, anh cô đơn buồn bã viết nên dòng nhạc: “Tuổi đời chân đơn côi,gót mòn đại lộ buồn, đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa…Em sang ngang rồi chôn kỉ niệm vào thương nhớ, hôn lên tóc mềm lệ sầu đắm ướt đôi mi…”. Đường phố Long Hoa lúc đó hệ thống điện còn yếu, chỉ ánh đèn mờ tỏa sáng nhạt nhoè trên đường phố.
Tại Tây Ninh, mấy chục năm qua, người yêu nhạc ai cũng biết giai thoại bài hát nầy. Sau Giải phóng 30- 4-1975 tôi và anh Băn Vi có dịp cộng tác chung dạy hát cho mấy em trong đội văn nghệ ở Long Hoa để tập bài Giải phóng miền Nam và Hội nghị Diên Hồng, sau đó anh chuyển qua bán sách báo văn phòng phẩm, rồi làm trưởng ban văn hóa thông tin thị Trấn Hòa Thành, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau qua các cuộc sinh hoạt văn nghệ. Lúc đó ở Long Hoa có một bãi hát rất rộng, các đoàn ca nhạc thường về trình diễn, trong một lần ca sĩ Bảo Yến trình diễn bài Giã từ tại đây, anh Băn Vi biết tôi hay viết báo nên có tâm sự làm sao lấy lại tác quyền. Tôi cũng có hứa với anh nhưng trong tay mình chưa có tư liệu bằng chứng gì cả nên không thể viết được mà anh cũng không còn bản gốc nữa.
Bài hát đã ra đời từ trên 40 năm qua nên hiện nay bài hát gốc ít ai còn giữ (kể cả nhạc sĩ Băn Vi) nhưng trong tâm tưởng người yêu nhạc Tây Ninh, nhất là những người thế hệ U60 trở lên… hễ nhắc đến Giã từ là nhắc đến Băn Vi. Năm 2004 anh qua đời vì một cơn bạo bệnh, anh em đến dự rất đông (nhà anh ở trước sân vận động Long Hoa nay là Trung tâm văn hóa Hòa Thành) mọi người đến dự còn đề nghị hát lại bài Giã từ kỉ niệm xưa…
Hai năm sau ngày mất của anh (năm 2006) ca sĩ Dạ Trường ở California về nước (làm chung với Băn Vi bên ban Văn nghệ ngày xưa) có họp mặt bạn bè cũ làm chung trong Đoàn văn nghệ ngày ấy như: anh Huệ (bên ban kịch) anh Phong, Hoài Nguyên, chị Cúc, anh Đạt (bên biểu diễn, nhạc công)… Mọi người đều nhắc lại kỉ niệm Băn Vi về bài Giã từ. Anh Dạ Trường kể lại khi sáng tác có câu kết: “Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương hoài...”. Dạ Trường thấy không ổn, nên góp ý sửa lại: “Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người…”. Băn Vi nghe có lí nên đồng ý sửa, bài nầy chính ca sĩ Dạ Trường hát đầu tiên  ở Tây Ninh.
Những năm gần đây dòng nhạc bolero thịnh hành, bài hát Giã từ cũng trở lại, nhưng đa số khi giới thiệu trên sân khấu, trên giới truyền thông đại chúng, trên live show không thấy nhắc tên Băn Vi mà chỉ nêu tên Tô Thanh Tùng mà thôi nên nhiều người lầm tưởng là một tác giả?. Rất may cho tôi, mới đây trên web Dòng nhạc xưa và Âm nhạc miền Nam có sưu tập lại được bản nhạc ngày ấy đề rõ hai tác giả: Tô Thanh Tùng và Băn Vi, sẵn đây xin cám ơn chủ nhân hai website nầy đã cung cấp một tài liệu quý giá cho tôi. Như vậy dựa trên nhạc phẩm Giã từ đã in từ năm 1973 do nhà xb Minh Phát phát hành thì đã rõ tác giả, không còn bàn cãi gì nữa. Công tâm mà nói  thì nhạc sĩ Tô Thanh Tùng rất có công lớn trong việc lăng xê bài hát  và đây cũng là một bài hát  gây dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của ông ( cũng như của Băn Vi)
Giờ đây hai nhạc sỹ đã  về cõi vĩnh hằng (Băn Vi mất 2004 - Tô Thanh Tùng mất năm 2017) người viết cũng muốn nhắc lại những chuyện xưa cho người yêu nhạc hiểu thêm lai lịch một bài hát hay, thịnh hành mà tác giả là người Tây Ninh. Hiện nay chúng tôi thấy một số Trang website  có điều chỉnh lại tên tác giả  theo bản gốc như Trang Youtube chẳng hạn
Nguyễn Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét